Tài nguyên nước và cuộc sống của con người

Tài nguyên nước và cuộc sống của con người

Cách đây hơn 20 năm, Liên hợp quốc chọn ngày 22-3-1993 làm Ngày Nước thế giới đầu tiên và từ đó đến nay, ngày này vẫn được duy trì là ngày vì nguồn nước sạch toàn cầu. Ngày Nước thế giới hằng năm là dịp để thế giới tập trung sự chú ý về tầm quan trọng của nước ngọt cũng như kêu gọi việc quản lý bền vững nguồn tài nguyên này. Mỗi năm, Ngày Nước thế giới nhấn mạnh một khía cạnh cụ thể. Năm 2016, Liên hợp quốc lấy chủ đề “Nước và việc làm” nhằm đề cập tới vai trò của nước đối với các công việc cũng như sinh kế của người dân. Tuy nhiên, cho dù với chủ đề trọng tâm hướng tới giải quyết từng vấn đề cụ thể thì mục tiêu trên hết vẫn là sử dụng nguồn tài nguyên quý báu này một cách hợp lý. 

Cạn kiệt nguồn nước – nguy cơ đe dọa tới cuộc sống 

Nhận thức về giá trị của nguồn nước đối với cuộc sống của con người là một trong những ưu tiên hàng đầu vì mục tiêu phát triển bền vững của mọi quốc gia. Con người hoàn toàn có khả năng bảo đảm tài nguyên đáp ứng được những nhu cầu hiện tại của mình mà không gây phương hại đến việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai, đồng thời giảm thiểu tổn hại tới hệ thống kinh tế – xã hội và môi trường. Trong số các nguồn tài nguyên, nước là yếu tố cơ bản không thể thiếu trong việc duy trì sự sống và mọi hoạt động của con người trên hành tinh. Việc đáp ứng nhu cầu về nước bảo đảm cả về chất lượng và số lượng là một điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững. 

Kể từ đầu thế kỷ XX, lượng nước tiêu thụ toàn cầu tăng 7 lần, chủ yếu do sự gia tăng dân số và nhu cầu về nước của từng cá nhân. Cùng với sự gia tăng dân số và khát vọng cải thiện cuộc sống của mỗi quốc gia và của từng cá nhân thì nhu cầu về nước ngày một tăng. Vì vậy, việc bảo đảm cung cấp nước đáp ứng về chất lượng cho toàn bộ dân số toàn cầu và bảo tồn các hệ sinh thái vẫn còn nhiều thách thức. 

Do sự biến đổi về nhiệt độ và lượng mưa, hiện nay nhiều nơi trên thế giới thường xuyên không có đủ nước để đáp ứng nhu cầu của con người khi 70% diện tích của Trái Đất được nước che phủ nhưng chỉ 0,3% tổng lượng nước nằm trong các nguồn có thể khai thác dùng làm nước uống. Vì thế, trong thế kỷ XXI, tình trạng thiếu nước đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng nhất trong các vấn đề về nước, đe dọa quá trình phát triển bền vững. Theo đánh giá của nhiều cơ quan nghiên cứu về tài nguyên nước, hiện tại có khoảng 1/3 số quốc gia trên thế giới bị thiếu nước và đến năm 2025, con số này sẽ là 2/3 với khoảng 35% dân số thế giới sẽ rơi vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng (1). Ở một số quốc gia, lượng nước cho mỗi đầu người đang bị giảm đáng kể. Và mặc dù, Hội nghị về nước của Liên hợp quốc vào năm 1997 đã thống nhất, “tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, địa vị kinh tế, xã hội đều có quyền tiếp cận nước uống với số lượng và chất lượng bảo đảm cho các nhu cầu cơ bản của mình, theo đó, tiếp cận với nước uống là quyền cơ bản của con người”, song, cho đến nay, số người thiếu nước sạch vẫn không ngừng tăng. Tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra tại Pa-ri (Pháp) tháng 12-2015, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách phát triển bền vững Lau-ra Tuốc cảnh báo, chỉ tính riêng trong vòng 35 năm tới sẽ có 40% dân số toàn cầu phải sống trong những quốc gia khan hiếm nước sạch, cao hơn nhiều so với 28% hiện nay (2).

Hội đồng Năng lượng Thế giới (WEC) dự báo đến năm 2030, lượng nước trên toàn cầu giảm đến 40%. Lượng nước sụt giảm tác động lớn đến sinh hoạt, sản xuất lương thực, vệ sinh và sức khỏe cộng đồng, cũng như 98% hoạt động sản xuất điện năng trên toàn cầu. Theo WEC, mối liên hệ năng lượng – nước – lương thực cho thấy “một rủi ro mang tính hệ thống”, có nguy cơ dẫn đến tác động mạnh mẽ đến nguồn cung và nhu cầu năng lượng trong nhiều năm tới (3). 

Còn theo báo cáo của Liên hợp quốc, đến năm 2030, nhu cầu về nước của thế giới sẽ tăng thêm 40% và nhu cầu năng lượng sẽ tăng thêm 50% so với hiện tại. Nguồn tài nguyên nước sẽ tiếp tục phải chịu sức ép của các yếu tố như tăng dân số, ô nhiễm môi trường, tình trạng biến đổi khí hậu (nắng nóng, hạn hán, lũ lụt). Hiện nay, trên toàn thế giới, có khoảng 770 triệu người không tiếp cận được với nước sạch; con số này sẽ tăng lên tại các khu vực như Bắc Mỹ, Trung Đông, Tây Nam Á, châu Á nói chung (4). Bên cạnh đó, các rủi ro lớn đang hiện hữu đối với các con sông lớn có vai trò chiến lược của thế giới, như sông Bra-ma-pu-ta ở Tây Nam Á; sông A-mu Đa-ri-a ở Trung Á; sông Nin và lưỡng hà Ti-grít Ưu-phrát ở Trung Đông và sông Mê Công ở khu vực Đông Nam Á. 

Ủy ban Nghiên cứu về nguồn nước của Nam Phi (WRC) cũng chỉ ra rằng, mực nước ngầm tự nhiên tại Nam Phi và một số nước khác ở châu Phi đang ngày càng giảm đi vì bị khai thác quá mức, dẫn đến nguy cơ nhiễm mặn và ô nhiễm nặng. WRC cảnh báo, Nam Phi sẽ lâm vào tình trạng khủng hoảng nước nghiêm trọng vào năm 2026 nếu tiếp tục sử dụng tùy tiện nguồn nước như hiện nay. Đó là chưa tính đến nguy cơ nguồn nước ngầm bị ô nhiễm chì, thạch tín và một số độc tố khác do hoạt động của ngành khai thác mỏ trong hàng trăm năm qua (5).

Nguyên nhân và những hệ lụy đáng tiếc

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm nước có thể thấy do những yếu tố sau: 

Một là, sự tăng nhanh của dân số thế giới. Ngày nay, theo đà tăng của dân số, lượng nước dùng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt không ngừng tăng. Theo đó, các tác động tiêu cực của tình trạng gia tăng dân số hiện nay trên thế giới ngày càng nhiều. Đó là sức ép lớn tới tài nguyên nước do khai thác quá mức phục vụ cho các nhu cầu nhà ở, sản xuất lương thực, thực phẩm, sản xuất công nghiệp; tạo ra các nguồn thải tập trung vượt quá khả năng tự phân hủy của môi trường tự nhiên trong các khu vực đô thị, khu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp… gây ô nhiễm nguồn nước sạch. Sự chênh lệch về tốc độ phát triển dân số giữa các nước công nghiệp hóa và các nước đang phát triển gia tăng, dẫn đến sự nghèo đói ở các nước đang phát triển và sự tiêu phí dư thừa ở các nước công nghiệp hóa. Sự chênh lệch ngày càng tăng giữa đô thị và nông thôn, giữa các nước phát triển công nghiệp và các nước kém phát triển dẫn đến tình trạng di dân dưới mọi hình thức, ảnh hưởng tới sự phân bố các nguồn nước. 

Hai là, môi trường sinh thái bị phá hoại do nạn chặt phá rừng, biến đổi khí hậu,… Trong nhiều năm qua, nạn chặt phá rừng bừa bãi đã gây ra những hiểm họa làm biến dạng hệ sinh thái, tăng nguy cơ khan hiếm nước, đất bị xói mòn, thoái hóa. Theo các chuyên gia, tốc độ nạn phá rừng hiện nay sẽ dẫn tới 2 tỷ người, tức 20% dân số thế giới bị thiếu nước vào năm 2050. Hầu hết số người chịu cảnh thiếu nước này sống tại các quốc gia đang phát triển. Ngoài ra, nguồn thực phẩm cũng có nguy cơ bị đe dọa vì nước dùng để tưới tiêu cũng trở nên khan hiếm (6). Bên cạnh đó, sự nóng lên của Trái đất khiến nạn hạn hán kéo dài, tình trạng mực nước biển dâng lên, đồng nghĩa với việc cạn kiệt nguồn nước ngọt quý hiếm tại một số nơi, khu vực trên thế giới. 

Ba là, sự ô nhiễm tài nguyên nước. Cùng với tốc độ phát triển đô thị hóa, các khu công nghiệp hiện đại là số lượng chất thải làm nhiễm bẩn nguồn nước ngày càng khó kiểm soát. Việc sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp, lượng nước thải ra môi trường của các nhà máy luyện kim, nhiệt điện, hóa chất, thực phẩm, cùng với lượng nước thải do sinh hoạt… khiến nguồn nước sạch bị ô nhiễm nghiêm trọng. 

Bốn là, sử dụng và quản lý tài nguyên nước không hợp lý. Sự cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước cũng như sự khan hiếm nguồn nước ngày càng trầm trọng do chưa thực sự có các biện pháp quản lý tốt nguồn tài nguyên nước. Tài nguyên nước hiện vẫn chưa được công nhận giá trị đầy đủ và công tác quản lý còn lỏng lẻo. Hầu hết các quốc gia đều chưa có nhiều hệ thống giám sát thích hợp cho cả khối lượng lẫn chất lượng nước và đặc biệt là việc sử dụng nước lãng phí.

Những nguyên nhân trên đã gây ra tình trạng cạn kiệt nguồn tài nguyên nước, dẫn theo đó là những hệ lụy không nhỏ đối với đời sống của con người. Theo dự đoán, các nguồn cung nước ngọt hiện nay sẽ không thể thỏa mãn nhu cầu của toàn cầu vào năm 2040, khiến xảy ra nguy cơ gây bất ổn định chính trị, làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế và đe dọa các thị trường lương thực thế giới. Khả năng sản xuất lương thực và năng lượng của các khu vực gồm Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi được dự báo sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn liên quan tới nguồn nước ngọt (7). 

Bên cạnh đó, tuy trong 10 năm tới chưa thể xảy ra một “cuộc chiến thế giới về nguồn nước ngọt”, nhưng nguy cơ của các cuộc xung đột sẽ gia tăng do nhu cầu về nước. Trong nửa thế kỷ trở lại đây, Liên hợp quốc thống kê, đã có hơn 500 cuộc xung đột vì nguồn nước, trong đó 27 cuộc đã trở thành xung đột vũ trang (8). Do vậy, theo phân tích của các chuyên gia, các quốc gia thường xuyên bị khan hiếm nước và mùa màng thất bát sẽ là những nơi bất ổn về an ninh.

Một tác động nữa phải tính đến là những tác hại của tình trạng khan hiếm nước sạch đối với sức khỏe con người. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện 1,5 tỷ người trên thế giới, chủ yếu là những người nghèo nhất thế giới, đã và đang mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo do thiếu nước. Những căn bệnh này thường bùng phát mạnh tại các quốc gia nghèo, có chiến tranh, xung đột hoặc ở các vùng xa xôi hẻo lánh, hay các khu ổ chuột, do người dân tại đây gần như không có điều kiện tiếp cận với nguồn nước sạch và không có các hệ thống xử lý nước thải hiệu quả (9). 

Đặc biệt, tình trạng khan hiếm nước còn tác động tiêu cực tới quan hệ quốc tế. Theo Liên hợp quốc, hơn 90% dân số thế giới sinh sống tại các quốc gia có sông, hồ chứa nước chung với quốc gia khác. Tuy nhiên, 60% lượng sông, hồ này hiện chưa có khung quản lý chính thức nào về hoạt động hợp tác sử dụng (10). Do vậy, nguồn nước ngọt có thể sẽ bị các quốc gia, nhất là các quốc gia ở đầu nguồn, khống chế và sử dụng như một thứ vũ khí để đe dọa các quốc gia có chung dòng sông ở dưới hạ lưu. Những nước ở hạ lưu sẽ phải tính đến việc xây dựng các hồ chứa nhân tạo để trữ nước đề phòng trường hợp cần thiết, một công việc có chi phí ước tính có thể lên tới hàng tỷ USD. Chưa nói tới khả năng các phần tử khủng bố cũng sử dụng nước như một công cụ để đe dọa sự ổn định và an ninh của từng nước và của toàn cầu. 

Cần giữ gìn nguồn tài nguyên hữu hạn 

Khan hiếm và thiếu nước là mối đe dọa rất nghiêm trọng đối với sự tồn tại của con người. Việc tiếp cận các nguồn nước ngọt có ý nghĩa sống còn đối với từng cá nhân, từng quốc gia, từng khu vực và toàn thế giới. Chính vì vậy, việc đưa ra các giải pháp quản lý, khai thác và bảo vệ tốt tài nguyên nước là điều cần thiết để cộng đồng thế giới cùng chung sức, hợp tác khai thác hiệu quả và bảo vệ nguồn tài sản vô giá này.

Thứ nhất, mỗi quốc gia, khu vực hướng tới phát triển các mục tiêu, khung thời gian để thực hiện chương trình hành động, chiến lược tài trợ cho chương trình quản lý nguồn nước bền vững. Chương trình nghị sự của quốc gia cũng như khu vực nhấn mạnh vai trò quan trọng của nước đối với sự phát triển của con người, đối với môi trường và sự phát triển kinh tế. Các mục tiêu toàn cầu về nước phục vụ nâng cao sức khỏe con người, thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế và bảo tồn môi trường.

Thứ hai, thiết lập cơ chế thông tin toàn cầu về quản lý nguồn nước giữa các quốc gia nhằm bảo đảm chế độ thông tin nghiêm ngặt hơn về tiến bộ của quản lý nước bền vững và cải thiện cập nhật thông tin. Từ năm 2003 đến năm 2012, Báo cáo “Phát triển nước sạch thế giới” được thực hiện 3 năm một lần với sự phối hợp của Liên hợp quốc và 36 đối tác quốc tế. Theo đó, để đáp ứng nhu cầu thông tin cơ bản của cộng đồng quốc tế, hằng năm, báo cáo này tiếp tục thực hiện với sự bảo đảm chính xác cao.

Ngoài ra, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hợp tác trong quản lý, khai thác và sử dụng bền vững các nguồn nước, đặc biệt nguồn nước đi qua nhiều lãnh thổ, trên nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia tiếp cận tài nguyên nước, hợp tác phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, phòng chống bệnh tật cho người dân sinh sống ven nguồn nước.

Thứ ba, nỗ lực tăng mức tài trợ, cải thiện khuôn khổ thể chế pháp lý quản lý nguồn nước trong phạm vi khu vực và thế giới. Theo lý thuyết, các nước cùng sử dụng nguồn nước của một con sông thường lập ra các ủy ban chung để điều phối cũng như chia sẻ thông tin trong việc quản lý, sử dụng nguồn nước. Tuy nhiên, thực tế mới dừng lại trong việc trao đổi thông tin, học thuật chứ thực sự chưa có biện pháp quản lý hiệu quả và bền vững nguồn nước do vẫn còn xuất phát từ lợi ích quốc gia riêng lẻ. Chính vì vậy, cần phải tăng cường hơn nữa tính ràng buộc trách nhiệm trong hiệp định quản lý xuyên biên giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các quốc gia.

Thứ tư, nâng cao nhận thức trong việc tăng cường hợp tác quản lý và sử dụng nguồn nước, cải thiện hệ thống vệ sinh toàn cầu và thúc đẩy phát triển bền vững. Nước sạch là chìa khóa dẫn tới phát triển bền vững, là nhân tố quyết định đối với sức khỏe con người, an ninh lương thực và phát triển kinh tế. Năm 2010, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chọn năm 2013 là năm quốc tế về hợp tác nước sạch, tập trung vào tìm kiếm một nền tảng để các quốc gia thúc đẩy hợp tác trong quản lý và bảo vệ nguồn nước dựa trên nền tảng lợi ích hòa bình và phát triển, giúp tăng cường nhận thức và đẩy mạnh hợp tác nhiều chiều xung quanh vấn đề nước sạch, bao gồm phát triển kinh tế bền vững, biến đổi khí hậu và an ninh lương thực. 

Thứ năm, sử dụng an toàn nguồn nước thải của các đô thị cho nông nghiệp để giảm bớt tình trạng khan hiếm và ô nhiễm nguồn nước. Hiện nay đã có 50 nước trên thế giới sử dụng nước thải, với lượng nước thải chiếm 10% tổng lượng nước được sử dụng cho nông nghiệp. Hiện xu hướng này ngày càng được chú ý khi lượng nước thải đã qua xử lý chiếm tỷ lệ cao trong nông nghiệp. Sử dụng nước đã qua xử lý cho sản xuất lương thực là biện pháp hiệu quả để giảm cạnh tranh giữa các đô thị và ngành nông nghiệp trong bối cảnh thế giới rơi vào tình trạng khan hiếm nước; mang lại lợi ích cho dân cư đô thị, nông dân và môi trường nhờ vừa giải quyết được nạn ô nhiễm ở các đô thị, vừa giúp nông dân tránh được chi phí khai thác nước ngầm, còn nguồn chất hữu cơ có trong nước thải có thể giúp giảm chi phí về phân bón. Sử dụng nước thải trong sản xuất nông nghiệp cũng tiết kiệm được các nguồn nước sạch để phục vụ cuộc sống con người và sử dụng trong công nghiệp, tiết kiệm chi phí rất lớn tìm kiếm những nguồn nước bổ sung cho nhu cầu nước sạch của các đô thị. 

Thứ sáu, áp dụng giải pháp tổng thể. Cụ thể, để thế giới có thể tiếp cận nước sạch, các chính phủ tăng cường mở rộng các dịch vụ nước. Đẩy nhanh các cuộc cải cách thể chế, tăng cường năng lực cũng như kinh phí cho các lĩnh vực dịch vụ nước. Đề ra những chính sách chống lãng phí nước, quan tâm hơn tới việc bảo vệ nguồn nước, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm nước. Ngoài ra, tổ chức và tăng cường các hệ thống giám sát chất lượng nước sạch trên quy mô quốc gia cũng như trên toàn cầu.


Thông tin chi tiết xin liên hệ:

Hotline: 028 777 23 999 – 0911 794 888

Website: Tienthanhwater.com

Email: Tienthanhwater66@gmail.com

Địa chỉ: 38 Ao Đôi, Bình Trị Đông A, Bình Tân, Tp Hồ Chí Minh

Bài viết liên quan